HƯỞNG ỨNG NGÀY TRÁNH THAI THẾ GIỚI 26/9/2020 CHỦ ĐỀ: “ĐẢM BẢO VIỆC CUNG CẤP DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH CÓ CHẤT LƯỢNG CHO MỌI NGƯỜI DÂN”

Ngày 26/9 là ngày phòng tránh thai thế giới – ngày tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Vào những năm đầu thế kỷ 21, kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này. Điều đó dẫn đến hàng năm có tới 1/3 trong số 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25…

Trước tình hình đó, liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu.

Đây là thời điểm để tổ chức các hoạt động thúc đẩy hiểu biết của cộng đồng về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai. Theo số liệu của WHO, hiện nay có 225 triệu phụ nữ trên toàn cầu có nhu cầu tránh thai, nhưng đang không sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả. Nhân ngày Tránh thai thế giới 26/9/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn một bộ phim ngắn giới thiệu Bảo tàng về tránh thai và nạo phá thai để đăng trên website của tổ chức này. Bộ phim ngắn này cung cấp tổng quan về nguồn gốc, phương pháp, các chuẩn mực xã hội, thái độ của các thể chế chính trị về kế hoạch hóa gia đình và giải thích tại sao các phương pháp ngừa thai an toàn là quan trọng.

          Có những bài học quan trọng có thể học được từ lịch sử tránh thai bằng cách khám phá các nhu cầu cá nhân, sự lựa chọn và trách nhiệm của nam giới. Trong bảo tàng, 2 căn phòng trưng bầy Tránh thai và Nạo phá thai được sắp xếp cạnh nhau. Và thông điệp từ sự sắp xếp đó thật rõ ràng.

Đó là thông điệp: Một khi con người đã có được những biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả, được quyết định số con và thời điểm sinh con theo đúng mong muốn của mình – thì những đau đớn, tổn thương và bi kịch do nạo phá thai sẽ không còn. Những định kiến về phòng tránh thai, nạo phá thai hiện nay vẫn còn tồn tại, vì thế thông điệp từ các hiện vật trong bảo tàng này vẫn vô cùng giá trị.

Tiến sĩ Christian Fiala, Giám đốc của Bảo tàng đã nói về ý nghĩa nhân đạo cao cả của việc tránh thai an toàn bằng cách trích dẫn câu nói của nhà văn Mary Stopes nói về đề tài này: ‘Trong các mối quan hệ của một con người, không có gì tra tấn người phụ nữ, biến họ thành nô lệ và cảm thấy khủng khiếp như việc làm mẹ ngoài ý muốn’.

Ý nghĩa ngày tránh thai thế giới

Mục tiêu của Ngày tránh thai thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên/ thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sinh sản.

Đến nay, Ngày tránh thai thế giới 26/9 có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

(Sưu tầm, tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *