Trong những năm gần đây, xu hướng sinh con trễ, sinh ít con để tập trung phát triển sự nghiệp, ổn định cuộc sống và chăm sóc con cái tốt hơn đang càng lúc càng trở nên phổ biến.
Tại Việt Nam, số lượng phụ nữ ở trong độ tuổi sinh sản rất cao, lên đến 24,7 triệu người, kéo theo nhu cầu về tránh thai cũng vô cùng lớn. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại với hiệu quả cao, nhiều gia đình vẫn áp dụng các biện pháp tránh thai tự nhiên như xuất tinh ngoài, tính chu kỳ kinh nguyệt,… với tỉ lệ thành công thấp dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
Nguyên nhân chính của việc này là do chưa được tiếp cận với các nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy, nhiều chị em vẫn lo sợ về nguy cơ gây ung thư, gây vô sinh, gây viêm nhiễm,… của các biện pháp tránh thai hiện đại như: đặt vòng đồng, tiêm thuốc tránh thai, thuốc viên tránh thai kết hợp,… Hậu quả là, nhiều chị em phụ nữ dù tránh thai đều đặn nhưng vẫn vỡ kế hoạch, làm gián đoạn công việc, xáo trộn cuộc sống gia đình, trẻ em sinh ra cũng không được chăm sóc đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần.
Từ đó mới thấy, không chỉ chủ động tránh thai mà tránh thai như thế nào cho an toàn và hiệu quả cũng vô cùng quan trọng.
Kế hoạch hoá gia đình không còn là việc riêng của người phụ nữ. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cần được cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như xóa bỏ những định kiến sai lầm về các biện pháp tránh thai hiện đại.
Trên thực tế, bất kỳ biện pháp tránh thai nào cũng có những ưu – nhược điểm nhất định.
Do đó, nếu được tư vấn đầy đủ từ cán bộ y tế, mỗi cặp vợ chồng sẽ lựa chọn được biện pháp tránh thai phù hợp, phát huy tối đa tác dụng mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.
Phòng Dân số Mỹ Lộc (Tổng hợp nguồn Internet)