TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI

Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây nên, bệnh có tính lây truyền cao, có khả năng gây dịch lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng người bệnh. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, khô, loét giác mạc, thậm chí có thể viêm não tủy và dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang mắc các bệnh cấp tính và mãn tính khác. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

 Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đủ liều, đúng lịch trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi. Bộ Y tế cũng cho biết, theo dữ liệu của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, ngày 02/4/2024, Sở Y tế Nam Định có Công văn Số: 594/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi. Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế để phòng chống dịch; Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm các trường hợp mắc trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Chỉ đạo các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng có tỷ lệ tiêm thấp,…

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân loại sàng lọc bệnh truyền nhiễm, thu dung, cách ly, thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Chủ động đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị điều trị cho người bệnh. Tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi.

Bên cạnh đó, bệnh Sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Vắc xin Sởi có tính an toàn cao. Hiện có 2 loại vắc xin: Vắc xin dạng đơn phòng bệnh Sởi hoặc dạng phối hợp (Sởi – Quai bị – Rubella hoặc Sởi – Rubella). Vắc xin Sởi dạng đơn: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Vắc xin dạng phối hợp (Sởi – Quai bị – Rubella hoặc Sởi – Rubella): mũi 1 lúc trẻ 12 tháng tuổi trở lên và mũi 2 nhắc lại sau 4 năm.

Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp  sau: 

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. 

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh. 

4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. 

5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.


 Khoa KSBT-TTYT Mỹ Lộc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *