Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7/2019 của Việt Nam: VIỆT NAM – 25 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN (ICPD CAIRO, 1994).
Cách đây 25 năm, tại Chương trình hành động ICPD mà Việt Nam đã tham gia ký kết đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển và kêu gọi lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, các vùng. Vấn đề này được nhấn mạnh bởi vì các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư… đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.
NHỮNG THÀNH TỰU CỦA CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG THỜI GIAN QUA
Trong thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay.
Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay.
Dân số nước ta năm 2018 khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phù hợp trong thời gian qua.
Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.
Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ trên 27% năm 1993 lên 56% năm 2016; lao động nông nghiệp giảm từ trên 72% xuống còn 44,0%.
Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Giai đoạn dân số vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 30 năm đến 40 năm, tối đa là 45 năm.
Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm hai phần ba; tỷ số tử vong mẹ giảm ba phần tư so với năm 1990. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ em sơ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật.
Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ.
Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước Châu Âu.
Dân số đã có sự phân bố lại hợp lý hơn trên phạm vi cả nước. Mật độ dân số tăng ở nơi thưa dân như vùng Tây Nguyên (từ 52 người/km2 năm 1993 lên 106 năm 2017), Đông Nam bộ (từ 370 người/km2 năm 1993 lên 711 năm 2017) và giảm ở nơi đông dân như vùng đồng bằng sông Hồng (từ 1.105 người/km2 năm 1993 xuống 1004 năm 2017).
Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động – việc làm. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 35% năm 2017.
Dân số được phân bố đáp ứng nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế – quốc phòng. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách bố trí ổn định dân cư tại khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng, các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số có bước đột phá.
Truyền thông về Dân số-KHHGĐ được xác định là một giải pháp cơ bản, triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng.
Nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, dễ hiểu đã được đưa vào các cuộc thi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục trong và ngoài nhà trường. Hình thức, sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với từng nhóm đối tượng và lứa tuổi.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” kiên trì, thường xuyên, liên tục tuyên truyền vận động đến từng cặp vợ chồng, từng gia đình.
Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ. Hàng chục nghìn câu lạc bộ, mô hình truyền thông về Dân số-KHHGĐ hoạt động hiệu quả ở mọi vùng miền.
ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG THỜI GIAN TỚI
Hiện nay, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng. Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Tỷ số giới tính khi sinh đang mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Di cư diễn ra với cường độ mạnh trên phạm vi cả nước. Thời kỳ dân số vàng đan xen với già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Đặc biệt, chất lượng dân số còn hạn chế.
Do đó trong thời gian tới, công tác dân số cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD và đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.