Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lê – nin 22/4/1870 – 22/4/2020 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về V.I. Lê – nin

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: V.I.Lê – nin “là một người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng trên khắp thế giới, không  những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.  Người chuyển tải những điều đó một cách thiết thực, giản dị và đầy hiệu quả…

Lãnh tụ V.I.Lê – nin người đặt cơ sở cho thời đại mới của những dân tộc bị áp bức

       Ngay từ lần gặp đầu tiên, đọc bản Luận cương của Lê – nin, ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê – nin đã chinh phục hoàn toàn nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc. Đó là sự chinh phục về mặt tình cảm, tình cảm đó được nung nấu bằng khát vọng cứu nước đang hàng ngày cháy bỏng trong tâm hồn người thanh niên yêu nước tìm đường giải phóng dân tộc. Vì vậy Người quyết đi theo con đường cách mạng của Lê – nin.

      Tư tưởng của Lê – nin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc con đường đấu tranh giải phóng cho dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc bị áp bức.

     Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” nổi tiếng của mình viết từ những ngày vận động thành lập Đảng, Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác Lê – nin”.

     Nguyễn Ái Quốc tin tưởng đi theo con đường cách mạng của Lê – nin, tích cực hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, ra sức tìm hiểu, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin và kinh nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 do Lê – nin và Đảng Bôn – sê – vích lãnh đạo.

     Trong những bài viết của mình, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nêu rõ, chủ nghĩa Mác được phát triển liên tục thông qua những hoạt động của Lê – nin.

     Lê – nin là người kế tục xuất sắc sự nghiệp của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và đã đưa chủ nghĩa xã hội khoa học phát triển lên một tầm cao mới, từ lý luận trở thành hiện thực, mở ra thời đại lịch sử quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Tên tuổi của Lê – nin gắn chặt với Cách mạng Tháng Mười Nga 1917.  

    Thắng lợi của cuộc cách mạng này đã mở đầu một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử loài người, mở ra một cuộc sống mới của các dân tộc trong Liên bang Xô Viết và con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa. Từ rất sớm trong sự nghiệp cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, Lê – nin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa. Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và nô dịch, Lê – nin đã tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, là tượng trưng cho một tương lai mới.

      Những ngày giá rét ở Mát – xcơ – va đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã chứng kiến nỗi đau của nhân dân Nga và các dân tộc bị áp bức qua những sinh viên đang học ở Đại học  Phương Đông  khi Lê – nin qua đời. Nỗi đau đó nói lên rằng: Lê – nin là người thầy vĩ đại của cách mạng được tất cả mọi người từ những người bình thường nhất đến những người ưu tú nhất hiểu biết và yêu mến. Điều này còn cho thấy, những người bị áp bức đang thức tỉnh và họ có thể “nhận lấy nhiệm vụ mà Lê – nin để lại và tiếp tục tiến lên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ bằng đạo đức cách mạng cao cả

   Ngay từ bài báo đầu tiên viết về Lê – nin và chỉ sáu ngày sau khi Lê – nin từ trần (bài Lê-nin và các dân tộc thuộc địa đăng báo Pravda ngày 27-1-1924), và trong tất cả các bài viết về Lê – nin sau này của mình, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh viết về Lê – nin với lòng tin tưởng và kính trọng đặc biệt. Bên cạnh việc khẳng định “Lê – nin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác.

     Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc”, Hồ Chí Minh còn nhìn thấy Lê – nin “là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng trên khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. 

      Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy nhiều điều quý báu cho những cán bộ cách mạng Việt Nam từ những lời dạy của V.I.Lê – nin. Bằng tình cảm trân trọng và văn phong độc đáo của mình, Người chuyển tải những điều đó đến với những người cách mạng Việt Nam một cách thiết thực, giản dị và đầy hiệu quả.

       Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu gương đạo đức cách mạng của Lê – nin, tấm gương tiêu biểu của đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và làm theo những lời dạy của Lê – nin: “Lê – nin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng”. Để chống lại những căn bệnh đó, “Lê – nin dạy chúng ta giản đơn và khiêm tốn, trong sạch và chính trực”; “phải thật thà tự phê bình và phê bình để đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ mãi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo “Cẩm nang thần kỳ”…

     Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa Mác – Lê-nin là cẩm nang thần kỳ nhưng không phải theo nghĩa đơn giản rằng trong đó đã có những công thức, những khuôn mẫu, những “đơn thuốc” kê sẵn… mà cái cẩm nang đó mang những tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp giúp những người cách mạng nhận thức tình hình và hành động một cách đúng đắn.

     Người viết: “Lê – nin dạy chúng ta đối với mọi việc phải xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, không nóng nảy, hấp tấp. Song khi đã định kế hoạch hẳn hoi rồi thì phải quả quyết thực hiện cho kỳ được”.

    Trong lúc trả lời phỏng vấn báo L’Humanité ngày 15/7/1969, Người đã khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê -nin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng – không chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lê – nin – chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác – Lê – nin”.

      Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cách tổ chức kỷ niệm và tưởng nhớ Mác, Lê – nin có hiệu quả nhất là “càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác – Lê – nin”. Những việc làm thiết thực, mang tính kế thừa đó là cơ sở để chủ nghĩa Mác – Lê – nin trường tồn và phát triển.

       TCCS – Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng để Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta đạt được qua hơn 30 năm đổi mới thể hiện sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Đảng; đồng thời, cũng góp phần bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê – nin trong điều kiện mới.

(Nguồn Tạp chí Cộng sản)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *