Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng NAM ĐỊNH (30/9/1993-30/9/2023)

Có thể nói, người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng y học cổ truyền Việt Nam là hai danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Pháp cho xây dựng nhiều bệnh viện tại Việt Nam. Năm 1901, lớp điều dưỡng điều trị bệnh phong và bệnh tâm thần đầu tiên được mở tại bệnh viên Chợ quán. Sau đó, các lớp học điều dưỡng được mở ra tại các bệnh viện với chương trình đào tạo thiếu bài bản, sơ khai. Những năm 50, hàng loạt các chiến dịch chống thực dân Pháp được Đảng và nhân dân ta thực hiện, nhu cầu chăm sóc bệnh binh tăng mạnh. Do vậy mà các lớp đào tạo điều dưỡng viên, y tá liên tục mở ra. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của cách mạng, các điều dưỡng viên, y tá đã chăm sóc, điều trị giúp các chiến sĩ lành thương, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét. Trong kháng chiến chống Mỹ, mỗi miền đều mở các trường đào tạo điều dưỡng để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Từ sau năm 1975, Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo công tác điều dưỡng tại 2 miền. Năm 1985, Bộ Y tế mở khóa đào tạo đại học điều dưỡng đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong đào tạo điều dưỡng nước ta, coi ngành điều dưỡng là một ngành độc lập, riêng biệt trong hệ thống y tế. Năm 1990, Bộ Y tế ra quyết định thành lập phòng điều dưỡng tại các bệnh viện có trên 150 giường bệnh. Sau đó không lâu, Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam ra đời.

Năm 1992, Phòng Y tá được thành lập thuộc Vụ Điều trị Bộ Y tế với nhiệm vụ phát triển công tác điều dưỡng trên cả nước thời đó. Ngày 13 tháng 8 năm 1997, Nhà nước đồng ý đổi tên Hội Y tá – Điều dưỡng thành Hội Điều dưỡng. Cho đến nay, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã có 800 chi hội và hơn 80.000 hội viên.

Năm 1989, Hội Điều dưỡng Hà Nội và Quảng Ninh ra đời thúc đẩy sự ra đời của các tỉnh hội điều dưỡng khác, đặt ra yêu cầu về một hội điều dưỡng chung trên cả nước. Ngày 26/10/1990, Chính phủ thông qua quyết định số 375 thành lập Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam. Từ đó, ngày 26/10/1990 được xem là Ngày điều dưỡng Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của Hội Điều dưởng Thế giới và Hội Điều dưỡng Việt Nam thì ngày 30/9/1993 Hội Điều dưỡng Nam Định chính thức ra đời. Mang trong mình sứ mệnh khẳng định tầm quan trọng của Người điều dưỡng trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Luôn song hành với Bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đó là Người Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, hộ lý… Những người với nụ cười hiền hậu và sự chăm sóc tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình. Điều dưỡng cũng chính là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất, đặc biệt trong những lúc nằm viện chính những Điều dưỡng là người đã luôn duy trì tinh thần của Nightingale bên ngọn đèn dầu – thức canh giấc ngủ ngon cho từng người bệnh, và luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc về Y tế và chăm sóc cả tinh thần, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau của bệnh và sự mệt mỏi về tinh thần trong quá trình điều trị.

Những thành tựu của Ngành Điều dưỡng Việt Nam hiện nay chính là sự kết tinh truyền thống và kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại cho những thế hệ điều dưỡng hôm nay và mai sau. Đó cũng là sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia điều dưỡng quốc tế. Thế hệ điều dưỡng chúng ta quyết phát huy truyền thống của dân tộc, của ngành Điều dưỡng Việt Nam không ngừng học tập, rèn luyện để tiến bộ, góp phần xây dựng và phát triển ngành ngày càng mạnh mẽ.

Hội điều dưỡng Mỹ Lộc lấy khẩu hiệu: “ Điều dưỡng Nam Định làm theo lời Bác, nâng cao chất lượng chăm sóc và sự hài lòng của người bệnh.

Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là một nhiệm vụ vô cùng cao cả và thiêng liêng. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, từ Bác sĩ đến những người Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên và các Phòng chức năng khác… phải cùng chung tay góp sức để tạo nên giá trị không chỉ trong khám, điều trị, chăm sóc mà còn là Dịch vụ Y tế đáp ứng nhu cầu.

Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh. Mỗi con người nói chung, đối với người bệnh nói riêng thì không ai giống ai, từ bệnh tật cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn Nghề này. Có thể nói, sự đóng góp của Ngành Điều dưỡng vào nền Y tế của nước nhà là không nhỏ, dù chưa được xã hội tôn vinh đúng mức, dù thu nhập chưa cao, dù còn nhiều thách thức nhưng với đặc tính nghề nghiệp của mình, những người Điều dưỡng chúng tôi luôn tự hào là người mang trên mình sứ mệnh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân

Với thân hình bé nhỏ của những điều dưỡng vẫn cứ cần mẫn, âm thầm, lặng lẽ  ngày đêm chăm sóc cho người bệnh nặng, không  thở than, không trách móc, miễn sao giành được sự sống trả lại cho người bệnh đó là động lực thôi thúc người điều dưỡng cố gắng, cố gắng và cố gắng.

Hình ảnh: Điều dưỡng khoa Cấp cứu –  Hồi sức tích cực chống độc chăm sóc người bệnh nặng

Dù công việc có vất vả bao nhiêu, có khó khăn nguy hiểm như thế nào đối với tính mạng của những người Điều dưỡng, vẫn không ngăn được những nụ cười thân thiện luôn rạng rỡ trên môi của mỗi người, khi được hằng ngày chăm sóc và phục vụ người bệnh.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc người bệnh về chuyên môn, với tấm lòng nhân ái bao la, họ còn là những người kết nối kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho người bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Trung tâm. Thường xuyên tham gia các phong trào thiện nguyện khác như khám bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, tham gia các hoạt động thiện nguyện tại vùng cao, tặng quà, thuốc, sách vở, nhu yếu phẩm cho bà con.

 Hình ảnh: Điều dưỡng làm công tác thiện nguyện

Lời Bác dạy trong những năm đất nước chưa được hòa bình nhưng đến nay chúng tôi vẫn khắc ghi trong trái tim mỗi người điều dưỡng  Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vừa nói lên vị trí, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi điều dưỡng, vừa khích lệ, động viên tinh thần chịu thương, chịu khó của mỗi điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.
           Thực hiện lời dạy của Bác, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cá nhân mỗi điều dưỡng cũng ưu tư và thầm nghĩ làm sao để học và làm theo Bác một cách thiết thực?

Có tâm, có đức, có tài, Điều dưỡng Trung tâm Y tế Mỹ Lộc luôn học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, luôn cập nhật kiến thức mới, cải tiến, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị và chăm sóc người bệnh.

Hình ảnh: Điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh      

Bất cứ Nghề nào đi nữa, cũng cần có tâm, nghề Điều dưỡng nói riêng và nghề Y nói chung thì lại cần điều này hơn nữa, khi hằng ngày phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, bao căn bệnh hiểm nghèo. Dù vất vả, dù chưa được xã hội nhìn nhận, đánh giá một cách xứng tầm, nhưng tôi mong các bạn Điều dưỡng hãy luôn cống hiến hết mình cho Nghề, vì Nghề, vì người bệnh đã trao sinh mệnh cho chúng ta. Để xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”.

Nhân dịp kỷ niệm 30 Năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Nam Định (30/9/1993 – 30/9/2023). Toàn thể Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên Trung tâm luôn cố gắng tích cực thi đua lập thành tích chào mừng. Phát huy Giá trị cốt lõi, xây dựng Trung tâm Y tế Mỹ Lộc trở thành đơn vị văn minh, hiện đại, giỏi về chuyên môn, sáng tròn về y đức, làm hài lòng người bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *