TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG NHIỄM LIÊN CẦU LỢN Ở NGƯỜI

Bệnh Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis (S.suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh Liên cầu lợn là liên cầu khuẩn S.suis. Ở động vật, vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Vi khuẩn Liên cầu lợn (S. suis) chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim nhưng những loài động vật này chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi chúng mới gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp do đó bệnh cũng có thể lây truyền qua các động vật khác như ruồi, gián, chuột.

Bệnh Liên cầu lợn được lây truyền sang người khi người tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, ngày 26/01/2024, Sở Y tế tỉnh Nam Định có Công văn số: 197/SYT-NVY về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nhiễm liên cầu lợn trên người. Sở Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên người; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu lợn; tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng bệnh, nội dung tập trung khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; Kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Phòng Y tế, TTYT các huyện, thành phố: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; giám sát phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch; phối hợp cơ quan truyền thông tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người như không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn và có biện pháp bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

    Để phòng tránh bệnh Liên cầu lợn người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

– Không ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín kỹ như: Tiết canh, nội tạng, thịt tái, nem chua,…

– Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

2. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân

– Sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn hoặc chế biến các sản phẩm từ lợn.

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch.

3. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh.

4. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da.

          Khoa KSBT – TTYT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *