Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là khiến vùng da bị tổn thương, vùng niêm mạc tồn tại dưới dạng phỏng nước tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay, bàn chân.
Đường lây nhiễm chính của tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch như là mẫu giáo, nhà trẻ,…
Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây được coi là virus có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng).
Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560 sau 30 phút. Với điều kiện nhiệt độ lạnh (- 40, virus sẽ sống được đến 3 tuần ở môi trường bên ngoài. Trong đó, những môi trường sinh hoạt chung thường là nơi tập trung của virus như đồ dùng ăn uống, mặt bàn, đồ chơi chung, ghế,….
Đối tượng dễ mắc tay chân miệng là trẻ em dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện
Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn đáng kể.
Hiện tại, vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh. Ngành Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Khoa KSBT