Hiện nay với khí hậu mùa đông – xuân là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A/H7N9, A/H5N1, tiêu chảy do vi rút Rota…
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, dễ bùng phát thành dịch, triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Phần lớn các ca mắc ho gà là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Khi mắc bệnh sẽ có biểu hiện sốt, có thể sốt nhẹ kèm theo ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít sau cơn ho, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính. Sau cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, nôn, vã mồ hôi, thở nhanh. Bệnh có thể diễn biến trở nặng, gây biến chứng nguy hiểm do bội nhiễm và có thể dẫn tới tử vong.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh ho gà.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, ngày 21 tháng 02 năm 2024 Sở Y tế Nam Định đã ban hành công văn số 300/SYT-NVY gửi các đơn vị yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh ho gà.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi, tránh trì hoãn. Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết về tình hình ca bệnh ho gà trên địa bàn (nếu có), các dấu hiệu nhận biết, khuyến cáo phòng chống và xử lý khi có người mắc hoặc nghi mắc. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc hoặc nghi mắc bệnh ho gà; thường xuyên theo dõi, quản lý các trường hợp tiếp xúc gần, trường hợp có nguy cơ cao đặc biệt tại địa bàn ghi nhận ca bệnh và khu vực lân cận để triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh phù hợp, kịp thời, không để bùng phát thành dịch. Phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ để đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và hướng dẫn vệ sinh cá nhân để phòng nguy cơ lây truyền bệnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh ho gà; chuyển tuyến an toàn, kịp thời đối với các trường hợp diễn biến nặng nhanh, vượt quá khả năng điều trị. Tổ chức tốt công tác sàng lọc, thu dung, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị. Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nhi trên địa bàn tổ chức tốt công tác khám, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh ho gà và báo cáo Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn để triển khai điều tra giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, thu dung điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Để chủ động phòng, tránh bệnh Ho gà, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch:
– Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 02 tháng tuổi.
– Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 01 tháng.
– Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 01 tháng.
– Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Che miệng khi ho hoặc hắt hơi; Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
– Cần phải cách ly những trẻ bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình.
– Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang, vệ sinh phòng ở, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Khoa KSBT-TTYT Mỹ Lộc