Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y học dự phòng của ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển ngành y tế

       Loài người sinh ra trải qua một quá trình lâu dài đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại. Thiên nhiên theo một nghĩa hẹp hơn như chúng ta thường nói ngày nay là môi trường chung quanh.  không ngừng tác động, ảnh hưởng tới đời sống, tới sức khoẻ con người. Thiên nhiên có tác động tốt nhưng cũng có tác động không tốt (nhất là vào buổi bình minh của nhân loại) đối với đời sống và sức khoẻ.

      Thời kỳ nguyên thuỷ, thiên nhiên đối với con người thường là nỗi sợ hãi và sự khắc nghiệt. Loài người buổi hồng hoang khi còn ǎn lông ở lỗ, đời sống và sức khoẻ không có gì đảm bảo, ốm đau, bệnh tật nhiều, nguy cơ diệt vong vô cùng to lớn. Từ triệu nǎm này sang triệu nǎm khác, con người từng bước tìm ra những biện pháp khắc phục đạt hiệu quả hơn, ốm đau, bệnh tật giảm bớt nhưng dịch bệnh, tai hoạ vẫn còn rất lớn. 

       Trải qua ốm đau, dịch bệnh, loài người rút ra được bài học lớn lao, quý giá cho mình: tốt nhất là phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra. Để dịch bệnh xảy ra, mới chữa thì nguy hiểm vô cùng, hiệu quả điều trị không thể cao mà tổn thất lại rất lớn, dù bệnh có thể chữa khỏi nhưng sức khoẻ vẫn bị tổn hại. 

      Chính vì thế, ở các nước phương Tây, từ thời cổ Hy Lạp, Hippocrate – người được coi là ông tổ của nền y học phương Tây cũng thấu hiểu điều này. Ông đã đề ra được phương pháp phòng  ngừa sự lây lan cho một số bệnh. Thế kỷ XVIII, nhà nước Italia đã ban bố những luật lệ để ngǎn ngừa sự lây truyền của bệnh lao… 

Nền y học phương  Đông cũng có những nhận định và giải pháp tương tự trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Từ hàng ngàn nǎm trước, người Trung Quốc đã biết chủng  đậu để phòng bệnh đậu mùa. ở nước ta cũng vậy, hàng trǎm nǎm trước, ý tưởng “chữa bệnh khi bệnh chưa phát cũng như đào giếng để phòng khát” đã được đề cập đến. Thế kỷ XV có cuốn “Bảo thai thần hiệu”, thế kỷ XVII có pho sách “Bảo sinh duyên thọ toàn yếu”, thế kỷ XVIII có quyển “Chẩn đậu chủ thư sao lục” tổng hợp những phương pháp chống bệnh đậu mùa. Hải Thượng Lãn Ông thế kỷ XVIII đã biết nhiều bệnh do thức ǎn gây ra và đã nói đến việc phòng độc do thức ǎn, nước uống. Trong “Vệ sinh yếu quyết diễn ca” ông viết: 

“Quả xanh nước lã độc ghê, 

Ǎn vào nôn cả thường khi bất ngờ. 

Lại còn độc sắn chẳng ngờ, 

Cũng nên biết cách phòng ngừa mới yên…” 

hoặc: 

“Chớ dùng nước ruộng, nước ao 

Nước hồ, nước vũng, nước nào cũng dơ 

Chi bằng nước giếng, nước mưa, 

Nước sông, nước suối cũng chưa an toàn”. 

Đề cập đến việc phòng bệnh do các côn trùng là vật trung gian truyền bệnh, ông viết: 

Thú trùng gây hại cũng thường 

Há không nghĩ đến những phương thuốc phòng? 

… 

Đề phòng chấy rận thế nào? 

Cần nǎng tắm gội, chải đầu luôn luôn. 

Rận thì nấu giặt áo quần, 

Hột na trừ chấy vài lần hết ngay. 

….. 

Trừ rệp, bồ kết, hoa hồi 

Hun nhà trừ muỗi, dùng bèo, lá xoan…” 

       Ý tưởng phòng bệnh mà ngày nay chúng ta gọi là y học dự phòng và tầm quan trọng lớn hơn của nó so với chữa bệnh trên thực tế như thế nào đã được các nền y học cả phương  Đông lẫn phương Tây biết đến và chấp nhận. 

      Tuy nhiên, phòng bệnh không chỉ là vấn đề y học, y tế, là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề vǎn hoá, xã hội và chịu ảnh hưởng lớn lao, quyết định của thể chế xã hội. 

      Phòng bệnh là vấn đề y học, y tế, khoa học, vì nội dung của phòng bệnh bao gồm các vấn đề liên quan đến trình độ vǎn hoá, vǎn minh, mức độ dân trí của các thành viên trong cộng đồng xã hội. Phòng bệnh là vấn đề xã hội, vì việc phòng bệnh không thể chỉ do vài cá thể mà là vấn đề của cả cộng đồng,  phòng bệnh chỉ có thể nằm trong ý tưởng của người này hoặc người khác, không thể thành đường lối, chính sách của Nhà nước, không thể thực hiện được một cách có hiệu quả. Chỉ có một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, một chế độ xã hội chǎm lo đến đời sống của mọi người dân, vấn đề phòng bệnh mới được quan tâm, đưa thành đường lối, chủ trương, mới được thực hiện một cách triệt để và đạt hiệu quả. 

        Nǎm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tiếp thu một di sản vô cùng lạc hậu về mặt kinh tế, vǎn hoá, xã hội do thực dân phong kiến để lại. Sự bóc lột tàn khốc của chế độ phong kiến và hơn 80 nǎm đô hộ của thực dân Pháp đẩy nhân dân ta vào cảnh cơ cực, bần hàn. Thực dân phong kiến bần cùng hoá nhân dân ta, không từ thủ đoạn dã man, tàn bạo nào đàn áp, bóp nặn đồng bào ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: “Chúng lập nhà tù nhiều hơn trường học, chúng dùng rượu cồn, thuốc phiện đầu độc nhân dân ta, làm suy yếu giống nòi ta”. Nǎm 1945, gần hai triệu nhân dân Việt Nam chết vì đói, tuổi thọ trung bình chỉ đến 20 tuổi, nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến, tình trạng vệ sinh tồi tệ, dịch bệnh hoành hành khắp nơi, triền miên từ nǎm này qua nǎm khác, nạn đói chưa dứt thì dịch thương hàn, dịch tả, dịch sốt, chấy rận lại đi liền ngay sau… 

          Từ nǎm 1945, khi bắt đầu thành lập nước đến khi  Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chúng ta đã sưu tầm được nhiều tài liệu, bài nói, bài viết… của Người về công tác y tế, trong đó có nhiều ý kiến về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Cả trong Di chúc, viết vào tháng 5 – 1968 khi nói về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Người vẫn không quên công tác y tế. Người cǎn dặn Đảng, Nhà nước phải khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế. Có thể nói công tác y tế, trong đó có vấn đề vệ sinh phòng bệnh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi là trụ cột cho sự nghiệp chǎm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân, để phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh (ngày nay chúng ta gọi là y học dự phòng hay y tế dự phòng) luôn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng và trong cuộc sống của Người. 

       Trong các tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về công tác y tế thể hiện rất rõ quan điểm của Người về y học dự phòng. Gửi thư cho nam nữ học viên Trường cán bộ y tế Liên khu I, tháng 2-1949, Người chỉ rõ: “Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh”. 

       Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, nǎm 1953, vấn đề vệ sinh phòng bệnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách sâu sắc, toàn diện hơn. Người viết: “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hǎng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.

Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh

        Từ việc lớn đến những việc tưởng như là nhỏ đều được Hồ Chí Minh gắn liền với công tác vệ sinh phòng bệnh. Thông qua việc vận động diệt ruồi muỗi, Hồ Chí Minh đã nêu bật quan điểm của Người về y học dự phòng: “Nếu tính lại mỗi nǎm Chính phủ và nhân dân tốn bao nhiêu tiền thuốc men, mất bao nhiêu ngày lao động thì sẽ thấy ruồi muỗi đã gây nên một số tổn thất khổng lồ. Do đó, phòng bệnh hơn trị bệnh. Chịu khó diệt ruồi muỗi hơn là để ruồi muỗi gây ra ốm đau rồi phải uống thuốc. 

           Để làm nổi bật quan điểm của mình về y học dự phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những cách thể hiện rất độc đáo. Người so sánh: đê vỡ không chỉ mất nhà, mất của, nghèo đói mà còn có thể chết người, muốn khắc phục tình trạng đó, trước hết mọi người phải sốt sắng, tích cực, chủ động đắp đê hơn là để đê vỡ mới huy động  người đi hàn, đi lấp. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đó giống như “khi chưa ốm, ta phải uống thuốc, phòng bệnh thì hơn là đợi ốm rồi mới uống thuốc”. 



         Một nội dung rất quan trọng của quan điểm y học dự phòng của Chủ tịch  Hồ Chí Minh là để phòng, tránh bệnh đạt hiệu quả cao, trước hết cần phải giữ gìn vệ sinh,  vệ sinh gắn bó chặt chẽ với sức khoẻ và số người mắc bệnh. Khẳng định: “Nếu chúng ta chú ý vệ sinh phòng bệnh thì tránh được bệnh”. Do đó: “Mọi người phải chú ý giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ”. Có lẽ vì thấy tác dụng to lớn của công tác vệ sinh nên Hồ Chí Minh đã gắn vệ sinh với truyền thống nổi trội, quý báu nhất của dân tộc Việt Nam là truyền thống yêu nước. Hồ Chí Minh cho rằng thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Hồ Chí Minh còn nói: công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua. Vệ sinh là công việc hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể. Vì vậy, vệ sinh không tách rời yêu nước. Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh đã có những bài viết tập trung vào nội dung “vệ sinh yêu nước”. Điều này cho thấy mọi hoạt động của người Việt Nam đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thi đua yêu nước. Việc Hồ Chí Minh gắn phong trào vệ sinh với truyền thống yêu nước, làm cho phong trào vệ sinh luôn được nuôi dưỡng và phát triển. Điều đó có nghĩa là quan điểm y học dự phòng của Hồ Chí Minh được đặt trên những cơ sở vững chắc và có sức sống lâu bền. 

        Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, các vǎn kiện, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đều thể hiện đậm nét quan điểm y học dự phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vǎn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII chỉ rõ: “Giảm hẳn tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết do các bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng như sốt rét, lao, bệnh ỉa chảy và viêm phổi ở trẻ em. Mở rộng phòng, chống bệnh bướu cổ… Thanh toán bệnh bại liệt, phong, uốn ván ở trẻ sơ sinh, nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, phòng chống bệnh dại. ngǎn chặn nhiễm HIV/AIDS và tổ chức điều trị những người đã mắc”.

       Gần đây có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 31/3/2020  Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 

        Dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72 vạn người mắc, gần 3,5 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước.

        Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách 

          Như vậy, các vǎn kiện, nghị quyết của Đảng đã xác định vị trí của công tác vệ sinh phòng bệnh trong toàn bộ công tác bảo vệ và chǎm sóc sức khoẻ nhân dân trên cơ sở những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này. Các vǎn kiện đó cũng nêu rõ: phòng bệnh không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của các tổ chức Đảng và Nhà nước.      

          Qua đây, một lần nữa cho thấy chỉ có nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhà nước do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể phát huy hết khả nǎng của nhân dân và của Nhà nước, mới làm được nhiệm vụ phòng bệnh rộng rãi, toàn diện và có hiệu quả cho nhân dân. 
        Ngành y tế nước ta trên cơ sở những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về y tế dự phòng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về vấn đề này đã vận dụng vào công tác chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế. Sự vận dụng này thể hiện trong việc ngành y tế đã đề ra các chủ trương, giải pháp, các biện pháp về tổ chức, xây dựng mạng lưới và các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch bệnh của ngành để luôn đạt hiệu quả nhất trong công tác phòng bệnh. 

(Sưu tầm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *